Giới đầu tư có nhiều lý do để lạc quan về thị trường, khi bất động sản công nghiệp, nghỉ dưỡng và nhà ở là những phân khúc có triển vọng bứt phá.

Bản tin cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5/2020 của Ngân hàng Thế giới vừa công bố cho thấy các chỉ số của nền kinh tế đang dần phục hồi. Còn theo tạp chí Economist, Việt Nam cũng đứng thứ 12 trong số 66 nền kinh tế mới nổi, là nhóm có “sức khỏe” tài chính ổn định hậu Covid-19.

Sự khôi phục của nền kinh tế có ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành, trong đó có bất động sản. Đây là lĩnh vực được ví như “cánh chim báo bão” của kinh tế Việt Nam khi có tác động đến 90 ngành nghề, với hàng triệu lao động liên quan trực tiếp.

Bất động sản công nghiệp sôi động

Giới chuyên gia dành nhiều thời lượng phân tích về triển vọng bất động sản công nghiệp. Theo báo cáo CBRE công bố tháng 5 vừa qua, Việt Nam đứng trước cơ hội lớn để trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới.

Thị trường sôi động với sự tăng lên của nguồn vốn FDI đổ vào các khu chế xuất, khu công nghiệp và sự gia tăng yêu cầu thuê đất và nhà máy từ cả khách thuê hiện hữu và khách thuê mới. Giá thuê và tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp tại các thành phố và tỉnh sản xuất lớn tăng cao, trong bối cảnh nguồn cung đất công nghiệp hạn chế.

Theo JLL trong quý I, tại miền Bắc giá đất trung bình tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, nhà xưởng xây sẵn giữ ở mức ổn định dao động 4-5USD mỗi m2 một tháng. Trong khi ở khu vực miền Nam, giá thuê đất tăng 12,2% so với cùng kỳ.

Khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh.

Khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh.

Chi phí tăng, xung đột thương mại Mỹ – Trung cùng chiến lược giảm sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất sẽ đẩy nhanh làn sóng chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Với lợi thế láng giềng, Việt Nam có nhiều cơ hội được các tập đoàn lớn lựa chọn.

Theo giới chuyên gia cơ hội cho bất động sản công nghiệp Việt Nam là Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu (EVFTA) dự kiến có hiệu lực vào tháng 7, hứa hẹn thu hút giới đầu tư phương Tây và các quốc gia khác. Việc kiểm soát dịch tốt cũng là lực đẩy để Việt Nam thu hút nguồn vốn ngoại hậu Covid-19.

Theo đại diện Savills, các thành phố vùng ven như Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu… đang được các nhà đầu tư thăm dò quỹ đất làm nhà, xưởng, bên cạnh các điểm nóng hút vốn đầu tư như TP HCM, Hà Nội. Nhiều doanh nghiệp quốc tế chia sẻ tham vọng mở rộng quy mô đất công nghiệp tại Việt Nam. Đơn cử đại gia bất động sản công nghiệp BW Industrial dự kiến tăng quỹ đất gấp 3-4 lần trong 4 năm tới.

Sản phẩm nghỉ dưỡng dần phục hồi

Là phân khúc bị ảnh hưởng nặng nhất từ dịch bệnh, bất động sản nghỉ dưỡng cũng chứng kiến sự phục hồi nhất định.

Khảo sát gần nhất của Savills Hotels với 635 khách sạn và khu nghỉ dưỡng 4-5 sao cho thấy, tình hình hoạt động của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam có những tín hiệu khởi sắc. Theo đó 78% cơ sở lưu trú thuộc phân khúc này đã mở cửa đón khách trở lại, cung cấp hầu hết các tiện ích đi kèm. Trong những tuần đầu tháng 5, hoạt động kinh doanh đạt khoảng 16%.

Du lịch Việt Nam được kỳ vọng sẽ phục hồi theo mô hình chữ V. Tương tự kịch bản tại thị trường Trung Quốc, khi nước này chỉ mất 6 tuần để công suất trở lại ở mức 30%.

Theo thống kê từ Tổng cục du lịch, năm 2019, 82,5% lượng khách du lịch của Việt Nam là khách nội địa. Các chuyên gia nhận định đây là nhóm sớm du lịch trở lại, kéo theo sự khởi sắc của ngành du lịch trong nước sau khi dịch bệnh đi qua. Ngoài ra, việc dần mở cửa trở lại đối với một số quốc gia hứa hẹn thúc đẩy ngành du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam phát triển.

Các chuyên gia cho rằng sự sáng tạo là chìa khóa tạo ra doanh thu cho du lịch. Theo đó hình như “du lịch tại chỗ” là một trong những ví dụ điển hình. Tại đó, những khách sạn nhắm đến khách hàng tại những tỉnh thành lân cận bằng cách đem đến những gói sản phẩm du lịch kèm nhiều tiện ích, giúp du khách có thể trải nghiệm mà không cần di chuyển quá xa.

Biệt thự Bãi Kem của Sun Group sẵn sàng đón đầu mùa du lịch
Biệt thự Bãi Kem của Sun Group sẵn sàng đón đầu mùa du lịch

Không ít doanh nghiệp đưa ra các chính sách kích cầu đối với khách du lịch giai đoạn này. Điển hình như SunGroup tạo ra hệ sinh thái gồm quần thể du lịch nghỉ dưỡng 5 sao, khu Sun World với những trò chơi giải trí hàng đầu, khu đô thị giao thương sầm uất, cùng các tiện ích phụ trợ khác để tạo ra nhiều sản phẩm vừa tối ưu chi phí vừa đầy đủ tiện ích cho du khách.

Trong khi đó, nhiều chủ đầu tư tái cấu trúc sản phẩm, thay đổi cách tiếp cận khách hàng để thích ứng với tình hình mới. Ngay khi gỡ lệnh giãn cách xã hội, những doanh nghiệp này đã kịp bắt nhịp lại và sẵn sàng tăng tốc. Nhiều doanh nghiệp lớn như VinGroup, SunGroup, Novaland, CEO… đều tung ra thị trường các dự án quy mô tại Phú Quốc, Quảng Ninh… nhằm thu hút khách du lịch và nhà đầu tư ngay sau thời điểm giãn cách xã hội.

Bất động sản nhà ở triển vọng

Những phân khúc bất động sản nhà ở như căn hộ chung cư, nhà phố, biệt thự… được nhiều chuyên gia nhận định có khả năng bật dậy tốt sau đại dịch. Một trong những xu hướng nổi bật lên ngôi là các dự án tại thị trường vùng ven, những nơi có quỹ đất sạch, dễ dàng mở rộng và hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện.

Ghi nhận tại các sàn môi giới địa ốc cho thấy từ đầu tháng 5 trở đi, các dự án bắt đầu có giao dịch trở lại. Dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa cao tại các thành phố lớn, nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu an cư của người dân vẫn ở mức cao là những lý do cho thấy thị trường sẽ sớm sôi động.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, lực cầu của thị trường còn ở xu hướng kiều bào nước ngoài mong muốn trở về quê hương, khi Việt Nam là quốc gia kiểm soát hiệu quả Covid-19. Dòng kiều hối đổ về Việt Nam được dự báo sẽ tăng mạnh tạo cơ hội cho thị trường nhà đất nóng lên.

Covid-19 được cho là phép thử tạo sự thanh lọc trên thị trường, giúp nhà đầu tư dễ dàng nhận diện các dự án chất lượng, chứng minh năng lực của chủ đầu tư trong việc đối phó với khủng hoảng…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *