Sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch Việt Nam những năm gần đây khiến sản phẩm nhà phố thương mại trở thành kênh đầu tư tiềm năng, hấp dẫn các nhà đầu tư xác định kiếm lời và thu lợi lâu dài từ loại hình kinh doanh shop thương mại.
Theo DKRA Việt Nam – nhà tư vấn, tiếp thị và nghiên cứu thị trường BĐS dự báo: trong năm nay, các dự án shophouse sẽ đón dòng vốn lớn từ condotel, biệt thự biển chuyển sang. Với đặc thù nguồn cung không lớn như các dòng sản phẩm khác, cuối năm 2021 và sang năm 2022, DKRA nhận định shophouse sẽ tiếp tục hút dòng tiền trên thị trường, đặc biệt là tại các địa điểm du lịch nổi tiếng.
Đây cũng là xu hướng phù hợp với khu vực và thế giới. Loại hình shophouse phát triển dựa trên sức tăng trưởng kinh tế, môi trường thương mại sôi động, được ưa chuộng với giá bán và giá thuê càng ngày càng đắt đỏ tại các điểm đến du lịch. Tại châu Á, một số khu vực khá nổi tiếng có thể kể đến như dãy phố mua sắm Geylang của Singapore, các khu shophouse ở Penang, Malacca (Malaysia).
Theo báo cáo thị trường mới nhất, Savills – tập đoàn cung cấp các dịch vụ bất động sản hàng đầu trên thế giới, đã cho biết dù trong thời điểm dịch bệnh nhưng shophouse vẫn là loại hình có tiềm năng tăng giá tốt: giá trung bình khoảng 7.306 USD/m2 (tương đương gần 170 triệu đồng/m2) trong quý II/2020. Mức giá này tăng 18% so với quý I/2020.
Shophouse hấp dẫn các nhà đầu tư xuất phát từ khả năng sinh lời và đầu tư dài hạn của dòng sản phẩm này.
Tại các thị trường mới giàu tiềm năng phát triển như đảo ngọc Phú Quốc thì dòng sản phẩm này ngày càng chứng tỏ hấp lực của nó. Tính chung giai đoạn 2010 – 2019, mỗi năm lượt du khách và doanh thu du lịch của Phú Quốc tăng trưởng khoảng 20 – 30%, từ 239.000 lượt khách năm 2010 lên 5,1 triệu lượt khách năm 2019.
Đặc biệt, vùng Nam đảo sắp tới sẽ có cảng biển quốc tế, trở thành đô thị hiện đại, năng động và là tâm điểm du lịch, thương mại dịch vụ của Phú Quốc, thu hút sóng đầu tư hàng tỷ USD. Hiển nhiên, shophouse là loại hình BĐS gắn với du lịch, nghỉ dưỡng sẽ có cơ hội tăng giá mạnh.